Cách làm mứt dừa truyền thống thơm ngon thật dễ dàng
Tết đến xuân về cũng là dịp gia đình được đoàn tụ bên nhau. Con cái ở khắp mọi miền tổ quốc hướng về ông bà, tổ tiên. Tết là dịp gắn kết yêu thương, là dịp con cháu báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đối với người Việt, ngoài các món ăn truyền thống như: bánh chưng, giò lụa, thịt đông, dưa hành,... trên bàn tiếp khách của các gia đình còn không thể thiếu món mứt Tết ngọt ngào.
Đất trời vào xuân se lạnh, mưa xuân nhẹ nhàng; trên khay quà đãi khách có mứt thơm ngon, đậm vị kết hợp cùng với ấm trà tỏa ngát hương thơm. Tất cả đã tạo nên một hương vị Tết truyền thống mà mỗi người con Việt luôn khao khát, xuyến xao mỗi độ Tết đến, xuân về.
Nếu như trước đây các chị em phải chờ đón để mua cho gia đình những gói mứt Tết, thì giờ đây chị em hoàn toàn có thể tự làm nhiều loại mứt Tết như: mứt dừa, mứt bí xanh, mứt cà rốt,... thật đơn giản, thơm ngon và hợp với khẩu vị của từng nhà. Hôm nay, MBMart sẽ cùng các mẹ vào bếp làm món mứt dừa đơn giản ngay tại nhà nhé:
Cách làm mứt dừa truyền thống đơn giản nhất
* Chuẩn bị nguyên liệu:
- Cùi dừa bánh tẻ (nếu chị em thích ăn mứt dừa dẻo thì chọn quả dừa non, mềm): 1000gr
- Đường kính trắng: 400gr - 500gr
- Sữa tươi nguyên chất không đường: 50ml - 70ml
- Hương vani (nếu muốn)
* Sơ chế nguyên liệu:
- Nạo cùi dừa: Sau khi chọn mua quả dừa vừa tầm về, chị em gọt sạch vỏ bên ngoài, bổ đôi quả dừa theo vòng tròn (lưu ý không để quả dừa bị nứt, vỡ). Dùng nạo nạo dừa theo vòng tròn quả dừa thành sợi mỏng dài.
- Xử lý sạch cùi dừa: Dừa sau khi đã nạo thành sợi dài mỏng, để cẩn thận thì chị em nên cân lại chính xác số cùi dừa thu được để đo lượng đường tương tương khi ngâm. Xả cùi dừa dưới vòi nước, bóp nhẹ cùi dừa cho dầu dừa tiết hết ra nước. Rửa khoảng 4-5 lần với nước lạnh; sau đó nên rửa lại cùi dừa với nước nóng 2-3 lần. Cuối cùng chị em đun sôi 1 nồi nước, bỏ thêm chút muối vào rồi chần sơ cùi dừa trong 1-2 phút. Đổ cùi dừa ra rổ cho ráo nước.
- Ngâm cùi dừa: Cho cùi dừa đã rửa sạch vào chậu nhỏ, cho lượng đường tương đương vào cùng cùi dừa (nếu chị em thích ăn nhạt thì cho 400gr đường / 1000gr cùi dừa; theo công thức trung bình sẽ là 500gr đường). Dùng đũa đảo đều cùi dừa cho đến khi ngấm đều đường. Ngâm cùi dừa cùng đường và sữa trong thời gian 5-10 tiếng để cùi dừa ngấm đều, sợi sừa trong suốt là đạt yêu cầu.
* Sên mứt dừa thành phẩm:
- Chuẩn bị 1 chiếc chảo chống dính sâu lòng, bắc lên bếp đun cho nóng chảo. Sau đó cho dừa cùng nước đường vào chảo đun to lửa; đảo đều tay liên tục cho đến khi dừa đã sền sệt thì cho thêm 50ml sữa tươi không đường và 1 chút bột vani (tùy thích) vào chảo mứt dừa. Tiếp tục đảo đều tay và hạ lửa nhỏ nhất (tránh trường hợp đường bị cháy vàng ở đáy chảo). Đảo nhanh và đều tay đến khi từng sợi dừa có đường đóng phấn trắng bám quanh, đảo đều tay đến khi khô hẳn thì tắt bếp. Vẫn tiếp tục đảo đều tay cho đến khi sợi dừa khô hẳn thì dừng lại.
* Bảo quản mứt dừa:
- Sau khi sên thành công mứt dừa, chị em nên để chảo thật nguội; để chảo mứt dừa ở nơi khô ráo (gần ánh nắng càng tốt), để mứt dừa khô ráo hẳn. Sau đó cho vào túi nilon và buộc kín, để nơi khô ráo, thoáng mát để tránh mứt dừa bị ẩm chảy nước trở lại. Nhìn chung món mứt dừa handmade chị em tự làm sẽ chỉ bảo quản được trong khoảng 15-20 ngày. Vì thế, chị em cân đối thời gian gần Tết để làm cho gia đình mẻ mứt dừa thơm ngon, đậm vị nhé.
* Một số lưu ý khi làm để có được mẻ mứt dừa ưng ý nhất:
Có lẽ trong số các món mứt thì mứt dừa được chị em đánh giá là dễ làm nhất (tỷ lệ hỏng là thấp nhất trong số các món mứt như: mứt bí xanh, mứt bí đỏ, mứt cà rốt, mứt táo,...). Tuy nhiên, trong quá trình làm mứt dừa chị em cần lưu ý một số điểm như sau:
- Khi đảo mứt dừa liên tục mà không thấy có hiện tượng kết tinh, dần dần đáy chảo có hiện tượng cháy đường. Để xử lý hiện tượng này, chị em cần tắt bếp, bỏ mứt dừa ra đĩa; rửa sạch chảo rồi đặt lên bếp cho nóng đáy chảo. Tiếp theo lấy 1 lượng đường (khoảng 3 thìa cà phê) hòa tan với nước rồi cho cùng với mứt dừa vào chảo. Đun to lửa cho đến khi cạn nước sền sệt thì hạ lửa ở mức nhỏ nhất để sên đến khi khô.
- Chị em nên chọn quả dừa bánh tẻ (không quá già, không quá non) để chất lượng mứt dừa được thơm ngon, bùi ngậy nhất. Một số chị em thích làm món mứt dừa non thì sẽ chọn dừa mềm tay, thái miếng và vẫn thực hiện theo quy trình như dừa sợi.
- Nạo dừa thành sợi mỏng để việc sơ chế loại bỏ dầu dừa nhanh hơn, đơn giản hơn. Lưu ý nên ngâm dừa trong khoảng thời gian từ 5-10 tiếng để đảm bảo mứt dừa được ngấm đều, ngọt đều và thơm ngậy.
- Trong suốt quá trình sên mứt dừa cần đảo đều tay, điều chỉnh nhiệt độ chảo bằng cách tăng hoặc hạ mức ở bếp sao cho việc sên mứt dừa được thuận lợi, không bị cháy chảo. Mứt dừa đạt là mứt có màu trắng đục, đều màu, khô tơi và không bết dính.
Trên đây là chia sẻ của MBMart về cách làm mứt dừa đơn giản, thơm ngon, bổ dưỡng và an toàn. Chúc các chị em khéo tay hay làm sẽ thành công với món mứt dừa chào đón Tết nguyên đán cổ truyền cho gia đình ngay từ lần làm đầu tiên nhé.